Chuyển đến nội dung chính

Đám cưới người dân tộc Dao tại Nặm Đăm, Hà Giang tổ chức như thế nào?

Đến với Nặm Đăm ngoài những ngôi nhà trình tường, những bộ trang phục truyền thống mà người Dao hàng ngày vẫn mặc và lễ cấp sắc còn có nghi lễ đám cưới truyền thống của người Dao. Đây là những nét văn hóa truyền thống độc đáo còn được lưu giữ và được nhìn thấy rõ nét nhất của người Dao nơi đây. 
Hiện nay, với sự phát triển của xã hội cùng với sự phát triển về nhận thức của con người thì tại nhưng nơi vùng sâu, vùng xa cũng đã dần du nhập nhiều nét văn hóa hiện đại dẫn đến một số nét văn hóa truyền thống dân tộc độc đáo dần bị mai một. Trong đó có lễ cưới truyền thống của người Dao.
Đám cưới người Dao tại Nặm Đăm

Đám cưới người Dao tại Nặm Đăm


Những câu chuyện thú vị về lập gia đình của người Dao.

Có rất nhiều anh, chị khi nghỉ chân tại Nặm Đăm thường hay hỏi đám cưới người Dao tổ chức như thế nào? Người Dao họ có bắt vợ không? Người Dao họ lấy vợ như thế nào? Rồi tán gái ra làm sao?...
Thật ra, hiện nay việc lấy vợ, lấy chồng của người Dao so với người Kinh hay một số dân tộc khác mình thấy cũng không có nhiều khác biệt lắm. 
Dưới đây là một số câu chuyện thú vị về tình yêu trai gái, xây dựng gia đình của người Dao.
Xem thêm:

Những câu chuyện gây ấn tượng sâu đậm sau khi nghe.

Ngày xưa (nói vậy chứ cũng mới gần đây thôi tầm trước năm 2000), việc xây dựng gia đình đối với mỗi người con trong gia đình người Dao thì đều do bố mẹ làm chủ, chính xác thì là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.
Theo như lời kể của mấy bác hàng xóm hay đến nhà tớ chơi kể lại, ngày trước có những cặp vợ chồng lấy nhau xong mà đến mức tới đêm động phòng rồi không biết mặt mũi chồng mình như nào. Rồi có trường hợp còn bị cả nhà chồng lừa để lấy. 
Câu chuyện là như thế này: người Dao trước khi có lễ thành hôn thì gia đình 2 bên sẽ thương lượng với nhau về tiền thách cưới, nghi thức đưa đón dâu... Sau khi 2 bên gia đình đã thương lượng xong xuôi thì mới tiến đến tổ chức hôn lễ cho 2 con. Mẫu chốt là hôm đó con gái mà gia đình nhà trai muốn lấy lại yêu cầu phải được gặp mặt chồng tương lại của mình, sau đó mới đồng ý kết hôn. Nhưng vấn đề mà nhà trai lo lắng nhất là cậu con trai mà gia đình nay muốn lấy vợ cho lại là một người thương tật. Vì vậy để có thể lập gia đình cho cậu con trai này họ đã để cậu con trai lớn người lành lặn, sáng sủa đi gặp mặt với cô gái đó. Kết quả sau khi gặp mặt, cô gái đã đồng ý cuộc hôn nhân đó nhưng không biết răng người sẽ làm chồng mình sau này là một người khác.
Rồi có những trường hợp vì gia đình cần thêm người làm việc nên khi con trai mới được 10 – 12 tuổi thì gia đình đã bắt lấy vợ, mà lấy về xong có biết làm gì đâu.

Người Dao có phải không có tình yêu trước hôn nhân?

Ngày xưa người Dao không phải không có những câu chuyện tình lãng mạn, mà những chuyển tình đó thường được thể hiện một cách giản dị, chất phác và tế nhị. 
Nếu một anh nào đó ưng một cô gái anh ta sẽ rủ bạn bè đến nhà cô gái, uống rượu rồi hát các bài hát giao duyên với cô gái (đây là hình thức giao tiếp mà ngày nay chỉ những người biết hát Dao mới hiểu). Hầu hết những lời tán tỉnh đều được biểu lộ qua hát giao duyên chữ không phải qua lời nói như bây giờ.
Những cặp yêu nhau nếu muốn tâm sự với nhau thì chỉ tâm sự qua thư (tiếng Dao thư gọi là “kén”) dù cho có ở gần nhau, mà thư muốn viết thì lại phải nhờ người biết chữ viết, rồi người nhận nêu không biết chứ vẫn phải nhờ người biết chữ đọc (thư từ ngày trước đều được viết bằng chữ nho (chữ hán) vì vậy rất ít người biết đọc và biết viết, chủ yếu là thầy cúng mới biết). Rồi muốn tặng quà cũng là tặng theo kiểu nhờ đưa hoặc theo dạng bưu kiện nếu ở xa chứ không tự tay đưa.

Để tổ chức một lễ cưới của người Dao cần những gì?

Đầu tiên để có được một đám cưới thì việc nhà trai phải chuẩn bị một lượng lớn tiền bạc là điều tất yếu. Bắt đầu từ tiền thách cưới, tiền tiệc tùng, tiền mời phù dâu, phù rể, người hát đối, thầy cúng,…
Tiền thách cưới sẽ tùy thuộc vào gia đình nhà gái. Ngày xưa thì dao động từ 80 đến 120 đồng bạc trắng, hiện nay thì giảm xuống còn từ 40 đến 80 đồng (1 đồng bạc trắng bây giờ tương đương với giá 1 triệu đồng)
Khi mọi thứ về tiền nong đã chuẩn bị xong xuôi, việc quan trọng nhất là nhà trai phải mời thầy cúng chính, ông mai, phù dâu, phù rể, diến đòng phà (tạm dịch là phó mai) và những người phụ giúp tổ chức tiệc cho lễ cưới. Sau đấy, nhà trai sẽ chọn một ngày đẹp để cùng ông mai sang nhà gái để lấy giấy chứng sinh của cô dâu (tiếng Dao gọi là “phan mèng” tạm dịch là “ngày tháng năm sinh”) đem về để nhập vào sổ gia đình của nhà trai (tạm dịch từ tiếng Dao ra chứ mình không biết dịch chính xác như nào cho hay ).
Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị ổn thỏa nhà trai lại phải chọn một ngày đẹp khác để tổ chức đón dâu và làm lễ thành hôn. 
Một điểm đáng chú ý là trước khi tiến hành chuẩn bị tổ chức đám cưới thì nhà trai đã phải hỏi gia đình nhà gái trước về ngày tháng năm sinh để nhờ thầy cúng (thầy bói) xem tướng xem đôi trai – gái này có hợp nhau hay không, rồi có điềm gì, hạn gì cần phải giải hay không. Nếu thầy bói nói cặp này không thể lấy nhau hoặc có thể lấy nhưng phải giải hạn này, hạn kia thì sau đó nhà trai mới đưa ra quyết định là có lấy cô gái này hay không.

Nghi thức đón dâu trong đám cưới người Dao.

Nghi thức đón dâu hiện tại.

Hiện tại nghi thức đón dâu đã không còn được thực hiện. Có thể do ngày nay công việc đời thường người ta bận rộn hơn, nghi thức rườm ra thì tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian của gia đình hai bên hơn… Vì vậy người ta đã bỏ bớt một số nghi thức không quá quan trọng đi.

Nghi thức đón dâu truyền thống.

Ngày trước nghi thức đón dâu của người Dao phải nói là rờm rà và tốn kém. Nghi thức đó theo cách gọi của người Dao thì là “làm đường đón dâu”.
Nhà trai sẽ phải chuẩn bị dây buộc lưng cho nữ (dây được tự tay các chị em phụ nữ Dao đan từ chỉ và tạo các hoa văn trên dây) đem theo đủ cho anh em, họ hàng nhà gái mỗi người một đôi dây cộng 1 đôi đồng xu. Tiếng Dao thì dây buộc lưng trong lễ đón dâu gọi là “tùng tinh làng”. Công việc này thường phải chuẩn bị cả tháng trời mới xong, tùy thuộc vào nhà gái có nhiều anh em hay không. Tất nhiên là không thể quên mang theo tiền, bạc mà gia đình nhà gái thách cưới để gửi nhà gái.
Bên nhà gái mời 2 người hát đối trong lễ đưa dâu tiếng Dao gọi là Cung xuung sà (nữ) và Cung xuung tón (nam). Hai người hát đối được bên nhà gái trả công bằng một đôi dây buộc lưng và một hào tiền bạc (tương đương 120 nghin bây giờ), khi đưa dâu về đến nhà trai bên nhà trai vẫn phải đưa như bên nhà gái. 
Dây buộc lưng được tự tay phụ nữ Dao đan

Dây buộc lưng được tự tay phụ nữ Dao đan



Cả quá trình đưa dâu người hát đối phải hát tổng cộng là 24 bài hát người Dao. Trong đó 2 người hát đối nhà gái và phù dâu, phù rể bên nhà trai sẽ cùng hát đối đáp hết 24 bài hát đối trên.
Ngoài ra, còn mấy khoản ép uống rượu các thứ nữa. Nói chung là nhà trai sau khi ra khỏi nhà gái để đón dâu về nhà trai thì ông nào, ông nấy đều say khướt.

Nghi lễ đám cưới tại nhà trai

Sau khi đã đón dâu về đến nơi thì tại nhà trai đã chuẩn bị sẵn 3 mâm cúng trong nhà. Trong đó một mâm cạnh cửa chính, một mâm dưới bàn thờ và một mâm trước cửa phòng tân hôn.
Mâm cạnh cửa chính là mâm cúng giải hạn, mâm cúng này do thầy cúng chính làm lễ. Theo truyền thống người Dao, bất kể cặp đôi nào lấy nhau dù sau khi đã nhờ thầy bói xem tướng xong mà thầy phán là tốt hay không tốt thì đều phải có phần lễ giải hạn để mong cho đôi vợ chồng chung sống với nhau hòa thuận, trăm năm hạnh phúc, làm ăn phát đạt và không gặp khó khăn trong cuộc sống.
Mâm cúng dưới bàn thờ là mâm cúng quan trọng nhất, đây là mâm cúng được thầy cúng chính thông báo với tổ tiên rằng gia đình có thêm thành viên mới. Rồi mời tổ tiên về làm chứng và ăn mừng đám cưới của đôi vợ chồng trẻ.
Bố chồng, thầy cúng và ông mai là những người ngồi hàng trên

Bố chồng, thầy cúng và ông mai là những người ngồi hàng trên



Sau khi thầy cúng thông báo mọi thứ xong, gia đình nhà trai sẽ làm một mâm cơm cho thầy cúng và họ hàng hai bên gia đình ngồi lại với nhau ăn uống rồi dặn dò đôi vợ chồng trẻ, nào là sống sao cho phải vợ phải chồng, rồi phải biết nhường nhịn lẫn nhau, vợ chồng đồng lòng thì muốn gì có đó,… Sau đó sẽ là màn mừng tiền của anh em, bạn bè, cô chú,… cho cô dâu chú rể. Đây chắc là phần mà ai cũng thích  .
Tiền mừng cô dâu, chú rể

Tiền mừng cô dâu, chú rể



Sau khi mọi người mừng xong thì ông mai (tá) mới đem quà mừng của mình đến mừng đôi vợ chồng trẻ, bao gồm một đồng bạc và 2 châm cài đầu bằng bạc (tiếng Dao là “bùng bào”). Châm cài đầu sẽ có một chiếc buộc dây hồng một chiếc buộc dây xanh đại diện cho hai vợ chồng chung sống hòa thuận. 
Ông mai là người mà sau này sẽ có danh phận tương đương với bố mẹ nhà gái. Sau khi hai vợ chồng lấy nhau thì sẽ gọi gia đình ông mai như gọi gia đình nhà vợ (bố vợ, mẹ vợ, cậu, mợ, bác,…)
Mâm cúng trước cửa phòng tân hôn là mâm cúng được ông mai (tá) cúng. Trường hợp ông mai không biết cúng có thể nhờ một thầy cúng khác giúp (ông mai tự mời). Sau khi cúng xong ông mai sẽ chùm một bộ quần áo mới lên đầu cho cô dâu, chú rể rồi bảo hai vợ chồng vào phòng tân hôn. Bên ngoài, ông mai, phù dâu, phù rể sẽ bị bạn bè, anh em họ hàng nhà trai bắt đầu đè ra chuốc rượu cảm ơn.
Kết thúc lễ tại nhà trai thì ông mai, phù dâu, phù rể xin phép gia đình rời về nhà (thường là khoảng 10 đến 12 giờ đêm). Lúc này là phần mà các anh, chị em được nhà trai mời đến giúp tổ chức tiệc và họ hàng nhà trai phấn khích nhất, nhưng cũng là phần mà ông mai, phù dâu, phù rể muốn bỏ qua nhất. 
Để có thể ra về ông mai, phù dâu, phù rể phải bước qua 3 hàng ghế chặn trước cửa mỗi một hàng ghế là 3 chén rượu đầy, tổng là 9 chén (nếu người trước đó chưa uống tý rượu nào thì có thể qua dễ dàng nhưng trong bữa cơm chính ai nẫy đều đã được anh em, họ hàng nhà trai chăm sọc rồi, nên đến đoạn này ai cũng đều ngán ngẩm   ). Ngày xưa người ta còn dùng bát con chứ không phải chén như bây giờ.
Sau khi qua được 3 cửa rượu trên thì đến lượt 2 người hát đối giữ chân để hát đối đáp. Nếu không thể hát được hoặc muốn về sớm thì chỉ có thể uống rượu tiếp hoặc đưa tiền cho người hát đối mới về được.
Cô dâu, chú rể tiến ông mai về nhà

Cô dâu, chú rể tiến ông mai về nhà


Trên đây đều là những nghi thức diễn ra vào buổi tối. Ban ngày sẽ là tiệc mừng được gia đình tổ chức mời bạn bè gần xa.

Nghi thức trả lễ nhà gái trong đám cưới người Dao.

Trong ngày nhà trai quay về trả lễ, nhà gái sẽ mời thầy cúng đến để thông báo với tổ tiên là con gái nhà mình đã đi lấy chông và hôm nay chính là ngày nhà trai về trả lễ.
Hiện tại, nhà trai sang nhà gái trả lễ sẽ đem theo tiền và bạc mà gia đình nhà gái thách cưới gửi lại nhà gái. Tuy nhiên, nếu theo truyền thống cũ thì tiền bạc này đã được gửi lại nhà gái trong ngày đón dâu.
Sau khi thầy cúng thông báo với tổ tiên nhà gái xong, gia đình nhà trai (gồm ông bà thông gia, ông mai, phù dâu, phù rể và phó mai) sẽ cùng dùng bữa cơm với gia đình, họ hàng nhà gái. Trong bữa cơm chính là những lời dặn dò của bố, mẹ vợ rồi anh, chị, em, cô, dì, chú, bác,…với đôi vợ chồng trẻ. Quan trọng nhất vẫn là lúc đếm tiền thách cưới mà nhà trai đem theo gửi lại nhà gái. Tuy nó chỉ là đếm tiền bạc thôi nhưng lại có rất nhiều người hàng xóm, họ hàng đứng xung quanh nhìn rồi bàn tán nào là đứa này bán đắt, đứa này bán rẻ, bla bla bla,… (nói đến bán nghe có vẻ phụ nữ người Dao hơi không được tôn trọng lắm nhưng đây là mình dịch word by word ra nên đọc thấy vậy chứ trên thực tế ngươi Dao khá là bình đẳng trong cuộc sống). Sau khi các nghi thức trên đã xong, mọi người ăn uống no nê thì đến đoạn thầy cúng làm chủ để anh em, họ hàng gần xa của nhà gái đến mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Thầy cúng sẽ lên danh sách các vật dụng rồi tiên bạc mà các anh, chị em, họ hàng nhà gái mừng vào một quyển sổ con (được viết bằng chữ nho/chữ hán). Đây là danh sách quà mừng cho vào chung với của hồi môn giao cho người đại diện nhà trai (phù dâu, phù rể) đem về (sau khi ăn uống no say thì ông mai và bố mẹ chồng sẽ về trước).
Kết thúc nghi thức trả lễ thì cũng giống với bên nhà trai người đại diện nhà trai sang nhà gái trả lễ và lấy của hồi môn sẽ phải qua các cửa uống rượu rồi hát đối mới được mang đồ về nhà trai.

Chi phí để tổ chức một đám cưới của người Dao.

Để tổ chức xong một lễ cưới bên nhà trai thường sẽ tiêu tốn khoảng trên dưới 100 triệu. Nếu gia đình tự nuôi được lợn để thịt làm cỗ và cắt miếng trả công cho người giúp thì sẽ dao động từ 40 đến 80 triệu. Để tổ chức được một tiệc cưới hiện tại thường sẽ tốn khoảng 3-5 con lợn từ 50-70kg.
Trong đó bao gồm tiền thách cưới, tiền chi trả cho thầy cúng, phù dâu, phù rể, … rồi chi phí tiệc cưới.
Cụ thể, tiền thách cưới sẽ tùy thuộc vào nhà gái thách nhiều hay ít.
Công cho ông mai là 1 đùi lợn.
Phù dâu, phù rể, phó mai (diến đòng phà) mỗi người 1 hào 2 đồng bạc tương đương 120 nghìn đồng, một khăn đội đầu và một đùi lợn.
Khăn đội đầu của phụ nữ người Dao

Khăn đội đầu của phụ nữ người Dao



Thầy cúng chính sẽ trả cho 1 đồng 2 bạc trắng tương đương 1,2 triệu đồng.
Những người đến giúp làm tiệc mỗi người một thớ thịt khoảng 2-3kg.
Trên đây là nhưng khoản chi phí theo tỷ giá hiện tại, nếu là ngày xưa với mức thách cưới cao như lời kể thì lấy một người vợ phải tốn 100 đến 200 đồng bạc trắng tương đương 100 đến 200 triệu.

Video tiến ông mai về nhà trong đám cưới người Dao:


Một số đồ trang sức dùng cho cô dâu trong lễ thành hôn của người Dao

Châm cài đầu

Châm cài đầu


Tấm đội đầu

Tấm đội đầu



Khăn buộc tấm đội đầu cô dâu

Khăn buộc tấm đội đầu cô dâu


Dây buộc cho cô dâu

Dây buộc cho cô dâu


Khăn đội đầu cho cô dâu

Khăn đội đầu cho cô dâu


Một số hình ảnh về đám cưới người Dao

Cô dâu, chú rể mời rượu cảm ơn thầy cúng

Cô dâu, chú rể mời rượu cảm ơn thầy cúng


Cô dâu, chú rể, phù dâu trong lễ thành hôn

Cô dâu, chú rể, phù dâu trong lễ thành hôn


Cô dâu, chú rể tiến ông mai về nhà

Cô dâu, chú rể tiến ông mai về nhà


Cô dâu người Dao

Cô dâu người Dao


Cô dâu, phù dâu chụp hình kỷ niệm với bạn ngày cưới

Cô dâu, phù dâu chụp hình kỷ niệm với bạn ngày cưới


Phù dâu người Dao mặc giống đến 95% cô dâu

Phù dâu người Dao mặc giống đến 95% cô dâu


Cô dâu, chú rể mời rượu cảm ơn ông mai và tiễn ông mai về nhà

Cô dâu, chú rể mời rượu cảm ơn ông mai và tiễn ông mai về nhà